Sự nghiệp Nguyễn_Đình_Đầu

Trước 1945

Sau khi ra trường, ông được tuyển làm làm Trưởng xưởng (Chef datelier) coi 120 công nhân trong một xưởng công nghệ của Pháp tại Đông Dương[3]. Theo lời kể của ông, khoảng năm 1940-1941, ông thường theo ông Hoàng Đạo Thúy đi hướng đạo xung quanh Hồ Tây. Do có khả năng vẽ kỹ thuật, ông thường được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ. Và cũng do ảnh hưởng tinh thần dân tộc của các trưởng hướng đạo bấy giờ, ông sớm bộc lộ sự đam mê với các bản đồ cổ về Việt Nam.

Phong trào Thanh niên Lao động Công giáo từ khi mới ra đời đã phát triển mạnh ở Việt Nam, do ông Nguyễn Mạnh Hà, sáng lập viên, làm Hội trưởng toàn quốc. Ông được bầu làm Hội trưởng phong trào ở Hà Nội. Điều này khởi đầu cho mối quan hệ thân tình giữa 2 người trong những năm sau này.

Cách mạng tháng 8 thành công, Việt Nam tuyên bố độc lập. Một chính phủ lâm thời được thành lập. Ông Nguyễn Mạnh Hà được mời làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, đã đề cử ông vào chức vụ Bí thư (phụ tá). Trên cương vị này, ông được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đi mua gạo, tiếp tế cho đạo quân Trung Hoa Dân quốc đang có mặt ở miền Bắc dưới danh nghĩa đại diện Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật. Do những yêu sách nặng nề bất khả thi của các tướng Lư Hán - Tiêu Văn, đã có lần ông bị bắt giam và có khả năng bị giết hại nếu không có sự can thiệp kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.[4]

Giai đoạn 1945-1955

Sau khi Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1946, Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo, một chính khách Việt Nam Quốc dân đảng, được cử vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế[5]. Ông Nguyễn Mạnh Hà được cử vào chức vụ Thứ trưởng, đồng thời được giao sứ mạng tiến hành đàm phán với Pháp trong hậu trường về vấn đề độc lập của Việt Nam. Là phụ tá cho ông Nguyễn Mạnh Hà, ông có những đóng góp nhất định trong Hội nghị trù bị Đà LạtHiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946.

Ngày 28 tháng 5 năm 1946, ông tháp tùng phái đoàn thiện chí của Quốc hội Việt Nam sang thăm nước Pháp và Phái đoàn Việt Nam sang Paris tham gia Hội nghị Fontainebleau vào tháng 7 cùng năm. Hội nghị Fontainebleau tan vỡ, ông cùng phái đoàn về Việt Nam.[6]

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông ở lại Hà Nội. Năm 1951, ông Nguyễn Mạnh Hà bị nhà đương cục Pháp trục xuất về Pháp (theo lệnh của Cao ủy De Lattre de Tassigny) với cương vị là một "Thanh tra lao động" của nước Pháp, chức vụ ông Hà đã từng nắm giữ 14 năm trước. Ông được ông Nguyễn Mạnh Hà bảo lãnh sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris). Ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Khoa học-Xã hội tại đây năm 1953.

Thời gian tại Pháp, ông cũng theo học với tư cách là sinh viên dự thính của Đại học Sorbonne. Bên cạnh đó, ông còn tham gia hoạt động trong phong trào vận động chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ Hồ Chí Minh cùng với các trí thức lão thành như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích. Năm 1954, ông củng các trí thức nói trên sang Thụy Sĩ đến gặp và vận động ủng hộ Phái đoàn Việt Nam, do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang dự Hiệp định Genève, 1954.

Giai đoạn 1955-1975

Năm 1955, ông về nước và sống tại Sài Gòn. Thời gian đầu, ông dạy học ở các trường tư thục Công giáo để kiếm sống. Ông từng là giáo sư sử địa, vừa là giám học của Trường Trung học Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Phổ thông Trung học Bùi Thị Xuân, Thành phố Hồ Chí Minh) từ 1957 đến 1959. Ông cũng tham gia soạn sách giáo khoa Sử Địa từ đệ thất đến đệ nhị chuyên khoa (tương đương từ lớp 6 đến lớp 11 hiện nay).

Từng năm 1960, ông chuyên tâm nhiều vào việc nghiên cứu và công bố các công trình của mình trên các báo tại miền Nam. Ông bắt đầu được biết đến như một học giả đứng đắn và rất có uy tín trong giới nghiên cứu. Bên cạnh đó, tính cách ôn hòa và đấu tranh cho hòa bình và hòa giải dân tộc, ông được xem như là một trong những thành viên tích cực của "Lực lượng thứ ba" trong chính trường miền Nam kể từ sau Hiệp định Paris 1973. Chính vì vậy, ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông được tướng Dương Văn Minh cử làm thành viên của phái đoàn đại diện Việt Nam Cộng hòa đến Trại Davis để đưa đề nghị ngưng chiến.

Sau 1975-nay

Do quá trình hoạt động ôn hòa của mình, sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình dù gặp phải rất nhiều hạn chế về tài chính cũng như sự quan liêu của chính quyền mới. Nhiều kết quả nghiên cứu, bảo tồn của ông được công bố trên nhiều báo chí có uy tín cho đến tận ngày nay.

Hiện nay ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam.[7]

Ngoài các giải thưởng chuyên môn, ông còn được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Đại đoàn kết do những nỗ lực của ông trong việc giữ gìn bản sắc và xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Đình_Đầu http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38561438 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/1512... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/13... http://www.chinhphu.vn/cttdtcp/vi/cpchxhcnvn/thanh... http://dantri.com.vn/c20/s20-316131/niem-an-ui-cuo... http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200913/2009... http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1428&chitiet=... http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/nguoiluugiu%E2%8... http://ubdkcgvn.org.vn/modules.php?name=News&op=vi... http://thethaovanhoa.vn/133N20110222102741651T0/nh...